Những điểm đến hấp dẫn khi bạn du lịch Vĩnh Long

Cầu Mỹ Thuận

 

cau-my-thuan.jpg 


 Cầu  Mỹ Thuận bắc qua sông Tiền, nối hai tỉnh Vĩnh Long và Bến Tre. Cầu được xây dựng vào 06/07/1997 và khánh thành vào 21/05/2000. Cầu dây văng theo hình rẻ quạt lớn nhất Việt Nam. Cầu có tổng chiều dài 1.535 m. Hai cầu dẫn mỗi bên 11 nhịp, mỗi nhịp 40 m. Phần cầu chính dài 650 m, chia thành 3 nhịp, hai nhịp bên mỗi nhịp dài 150 m, nhịp giữa dài 350 m. Mặt cầu rộng 23,6 m, chia thành bốn làn xe cơ giới ở giữa và hai làn cho người đi bộ và xe thô sơ hai bên.
Mỹ Thuận là tên của một ngôi làng nhỏ nằm bên tả ngạn sông Tiền, nhánh phía bắc của sông Cửu Long, thuộc tỉnh Tiền Giang. Cây cầucó kiến trúc duyên dáng này là công trình hợp tác giữa các chuyên gia, kỹ sư và công nhân của hai nước Úc và Việt Nam.
Sau khi chạy ngang qua phía bờ Tiền Giang, bến phà Bắc cũ và xã Hòa Lộc nổi tiếng với xoài cát, các bạn sẽ tiếp cận địa phận tỉnh Vĩnh Long. Từ trên cây cầu Mỹ Thuận kì vĩ, ta có thể phóng tầm mắt đến khu ngoại ô nổi tiếng với cái tên Trường An, nằm dựa bên bờ sông Cổ Chiên đầy thơ mộng.
Du khách nếu có dịp du lịch Vĩnh Long hay các tỉnh miền Tây thì việc dừng chân chụp hình với cây cầu có kiến trúc đặc biệt này sẽ là điều không thể bỏ qua, như một điểm đánh dấu đặc biệt trong cuộc hành trình. Nhận thức được vẻ đẹp của cây cầu, cư dân cũng như du khách trong và ngoài nước đổ đến tham quan, tụ tập rất đông. Vì thế, các hình thức dịch vụ phục vụ cho khách du lịch mọc lên rất nhiều, tạo điều kiện tốt nhất cho du khách có một điểm dừng chân thực sự hài lòng. Đặc biệt là khu vực địa bàn xã Tân Ngãi, số lượng các hàng quán càng ngày càng tăng. Thời điểm các du khách tập trung đông là vào lúc trời vào chiểu, vì khoảng thời gian chiều mát thực sự rất lý tưởng cho việc tham quan và chụp ảnh.
Sau khi những tia nắng mặt trời cuối cùng trong ngày mệt mỏi để rồi le lói và tắt hẳn thì cũng là lúccầu Mỹ Thuận rực rỡ lên đèn. Nếu vào ban ngày, Mỹ Thuận tựa như một minh chứng hùng hồn và đầy kiêu hãnh về sự phát triển của vùng ĐBSCL trù phú thì giữa trời đêm, cây cầu lại mang một vẻ đẹp dịu dàng, say đắm được thắp sáng bởi những tia sáng lung linh từ hệ thống đèn laze.

Cù Lao An Bình và Bình Hòa Phước

 

cu-lao-an-binh-02.jpg

Vị trí địa lí: Cù Lao An Bình và Bình Hòa Phước nổi giữa sông Tiền, đối diện với thị xã Vĩnh Long, Cù Lao gồm bốn xã: An Bình, Bình Hoà Phước, Hoà Ninh và Ðồng Phú, thuộc huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long. Nằm ở vị trí đầu của dải cù lao Minh (nơi được mệnh danh “vương quốc trái cây”) được mẹ phù sa bồi đắp cho đất đai màu mỡ, trù phú, ươm mầm và phát triển phong phú các loại cây ăn trái đặc trưng của miền Tây.
Hẳn ai cũng sẽ nhớ mãi màu xanh um của cây cối, những chùm chôm chôm đỏ chon chót hay hương nhãn da bò thơm nức. Những điều kiện thiên nhiên lý tưởng này thích hợp cho phát triển nhiều loại hình du lịch sinh thái.  Hẳn bạn sẽ khó bỏ qua các khu vườn làm du lịch nức tiếng nhiều năm như vườn Ngọc Lý, Tám Lộc, Bảy Hồng, Chín Sang, Chín Mai, vườn cảnh bon sai của ông Sáu Giáo, vườn chôm chôm của ông Chín Hoán, Chín Cần, nhãn tiêu của ông Tám Hổ …Vườn nhỏ thì khoảng 5 – 6 công vườn, vườn rộng đến 1 – 2 hecta.
Vì là một vùng sông nước mênh mông, kênh rạch đan nhau chằng chịt nên du khách phải thuê ghe xuồng để tham quan mảnh đất màu mỡ này. Trải rộng khắp Cù Lao là hệ thống sông ngòi gồm các con sông mang những cái tên độc đáo, đậm chất miệt vườn như sông Bà Vú, rạch Trời Đánh, rạch Ruột Ngựa, sông Tắc Cát, rạch Đường Cày lớn, rạch Đường Cày nhỏ…Sau khi thả hồn trên những con sông, con rạch uốn lượn dịu dàng, các bạn sẽ dừng chân tại các vườn cây ăn trái sum xuê. Tại ngay một số nhà vườn còn có loại dịch vụ hái trái cây rất đặc biệt chỉ có tại An Bình với tên gọi “trái cây bao bụng” nghĩa là bạn có thể ăn “bao no” các loại trái cây phong phú và sai trĩu cành chỉ với giá 20 000 -30 000 VNĐ nhưng không được mang về.
Các địa điểm “homestay” nổi tiếng
Út Trinh Homestay
Năm Thành Homestay
Ba Lình Homestay.

Chùa Tiên Châu

 

chua-tien-chau.jpg

Sau khi tận hưởng một chuyến du lịch sinh thái tại cù lao An Bình, bạn hãy ghé tham quan chùa Tiên Châu nằm ngay trên cù lao. Đây là một địa điểm được Bộ Văn hóa Thông tin công nhận di tích kiến trúc nghệ thuật, một điểm đến bạn không thể bỏ qua. Chùa còn có tên là chùa Di-Đà hay Tô Châu.
Chùa nằm trên bãi Tiên, bên tả ngạn sông Cổ Chiên, thuộc cù lao An Bình.
Đây là một ngôi chùa đẹp với khuôn viên thoáng mát, rộng rãi và có giá trị văn hóa nghệ thuật cao nên thu hút rất đông các phật tử và du khách gần xa đến chiêm bái hàng ngày. Giữa những bộn bề, lo toan trong cuộc sống, bạn sẽ cần tìm một khoảng lặng chốn chùa yên bình để tịnh tâm. Cảm giác bình an, thanh thản sẽ tràn ngập tâm hồn khi được rảo bước khắp khuôn viên và chiêm ngưỡng những bức tượng Phật trang nghiêm, mang một vẻ đẹp cao quý và thanh tao. Chắc chắn đó là một chuyến vãn chùa đầy thú vị và giúp bạn tìm được sự thanh tịnh chốn an lành.

Đình Long Thanh

Nếu bạn là khách du lịch muốn tìm hiểu về lịch sử, văn hóa của Vĩnh Long thì hãy dừng chân tại di tích văn hóa Đình Long Thanh, tọa lạc trên khuôn viên thoáng mát rộng 6040 mét vuông.
Đình thuộc khóm 4, phường 5, thành phố Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long cách trung tâm thành phố khoảng 3 cây số, nằm bên bờ sông Long Hồ.
Lễ hội: đình Long Thanh có hai ngày lễ lớn đó là lễ Hạ Điền vào ngày 14 và 15 tháng 3 âm lịch và lễ Thượng Điền ngày 16 và 17 tháng 10 âm lịch. Người dân và khách thập phương đến dự lễ Hạ Điền đông hơn là lễ Thượng Điền vì quy mô trọng thể hơn. Ngoài ra, đình Long Thanh còn lưu giữ các nghi lễ truyền thống như lễ tế Túc Yết, tế Tiền Hiền, Hậu Hiền, Xây Chầu, Đại Bội, Hồi Chầu.

 Chùa cổ Long An

Chùa cổ Long An không chỉ là nơi chư Tăng, phật tử lễ bái và tu học mà còn là nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh của người dân. Ngôi chùa được truyền xây dựng vào cuối thế kỷ 19, do gia tộc ông Cả Lâm mộ đạo và hiến 30 công đất xây thành chùa và làm tự điền.
Vị trí địa lí: Cách trung tâm thị trấn Trà Ôn trên 3km, từ Quốc lộ 54 theo đường nhỏ khoảng 500m, đến chùa cổ Long An. Chùa còn có tên Đồng Đế, tọa lạc tại ấp Mỹ Trung, xã Thiện Mỹ, huyện Trà Ôn (Vĩnh Long)
Đây là một ngôi chùa cổ được xây dựng hàng thế kỷ trước nên đã trở thành điểm dừng chân của các cao tăng nổi tiếng ở Nam Bộ như Khánh Anh, Huệ Quang, Khánh Hòa, Pháp Hải, lập nên Liên đoàn Học xã hoằng dương chánh pháp, truyền bá quốc ngữ. Chư Tăng, phật tử và khách vãng lai khi đặt chân vào chùa cổ Long An như lạc vào chốn an làn, hạnh phúc và thanh thoát, những tiếng tụng kinh giúp mọi người thoát li phiền não.

Văn Thánh Miếu

van-thanh-mieu.jpg

Cùng với những ngôi chùa, Văn Thánh Miếu cũng góp phần tạo nên giá tị đời sống tâm linh, văn hóa và kiến trúc cộng đồng của người dân. Cảnh quan của ngôi miếu thật huyền ảo và hữu tình, có đượm màu thời gian vì ngôi miếu đã được xây dựng từ năm 1862. Ngôi miếu được dựng lên để thờ đức Khổng Tử. Mặc dù đã qua nhiều lần trùng tu nhưng ngôi miếu vẫn lưu giữ được vẻ đẹp cổ kính.
Vị trí địa lí: ngụ tại làng Long Hồ, nay thuộc phường 4, thành phố Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long.
Đặc trưng: là một trong ba Văn thánh Miếu được xây dựng đầu tiên ở Nam Bộ cùng với Văn Thánh Miếu ở Biên Hòa và Gia Định (Sài Gòn nay).
Lễ hội: Văn Thánh Miếu có các ngày lễ chính như Tế Khổng Tử và các vị Thánh hiền vào ngày Xuân Đinh và Thu Đinh (ngày Đinh đầu tháng hai và ngày Đinh đầu tháng tám). Ngày lễ Phan Thanh Giản (mùng 4 và mùng 5 tháng 7, ngày giỗ các quan đại thần (12 và 13 tháng mười âm lịch).
Ngôi miếu này là một di tích lịch sử văn hóa, kiến trúc nghệ thuật có giá trị và là nơi sinh hoạt tín ngưỡng của nhân dân. Về giá trị du lịch, đây đã trở thành một trong những địa điểm mà du khách thập phương đến thăm viếng và tỏ lòng thành kính, biết ơn đối với các bậc tiền nhân.
>> Xem thêm:  điểm du lịch miền Tây