Liên thông CĐ, ĐH: Điều kiện dự thi gồm những gì?

Theo dự thảo sửa đổi và bổ sung mới nhất của Bộ GD&ĐT về Thông tư 55, thí sinh CĐ sẽ không phải đợi 36 tháng mà có thi tuyển liên thông ngay sau khi tốt nghiệp.

Mở cửa thi tuyển liên thông
Thay vì đợi tốt nghiệp CĐ đủ 36 tháng mới được thi liên thông, nhờ chính sách nới lỏng của Bộ GD&ĐT, thí sinh có thể thi tuyển ngay sau khi tốt nghiệp.

Một trong những điểm mới trong dự thảo của Thông tư 55 do Bộ GD&ĐT công bố quy định đào tạo liên thông là việc xét tuyển thẳng.

Theo đó, người có bằng trung cấp loại giỏi trở lên hoặc người có bằng trung cấp loại khá nhưng đã có ít nhất 2 năm làm việc theo ngành hoặc nghề đã được đào tạo, có trình độ văn hóa đáp ứng quy định được tuyển thẳng vào cùng ngành ở trình độ cao đẳng; Người có bằng tốt nghiệp trung cấp và đoạt một trong các giải nhất, nhì, ba tại các kỳ thi tay nghề quốc gia, có trình độ văn hóa đáp ứng quy định được tuyển thẳng vào trường cao đẳng để học ngành, nghề phù hợp với nghề đã đoạt giải.

Về điều kiện văn bằng dự thi liên thông, dự thảo đưa ra một số điểm mới như người tốt nghiệp trung cấp nhưng chưa có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông phải học và được công nhận hoàn thành các môn văn hóa trong chương trình giáo dục trung học phổ thông theo quy định của Bộ GD-ĐT.

Những người có bằng tốt nghiệp Y sĩ hoặc Y sĩ đa khoa được đăng ký tuyển sinh đào tạo liên thông trình độ đại học các ngành Y đa khoa, Y học cổ truyền, Y học dự phòng.

Những người có bằng tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng thuộc khối ngành sức khỏe được tuyển sinh đào tạo trình độ đại học các ngành: Điều dưỡng, Hộ sinh, Y tế công cộng, Kỹ thuật y học.

Trao đổi với báo chí, PGS.TS Bùi Anh Tuấn – vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD-ĐT cho biết: “Trong dự thảo thông tư sửa đổi thông tư 55, việc tuyển sinh liên thông đã được Bộ GD-ĐT giao quyền tự chủ cho nhà trường quyết định. Các trường ĐH, CĐ có thể được chủ động chọn lựa phương thức tuyển sinh liên thông: tổ chức thi tuyển hoặc xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi THPT quốc gia hoặc kết hợp cả hai phương thức này.

Nhà trường có trách nhiệm thông báo công khai trong thông báo tuyển sinh. Với phương thức này, trường cũng phải xây dựng và ban hành quy chế tuyển sinh liên thông.

Quy chế của trường không được trái với quy chế thi THPT quốc gia và quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy đối với liên thông chính quy và quy chế tuyển sinh hệ vừa làm vừa học đối với liên thông vừa làm vừa học. Còn nếu lựa chọn phương thức xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi THPT quốc gia của thí sinh dự thi tại các cụm thi do trường ĐH chủ trì, trường phải công bố tổ hợp các môn xét tuyển vào các ngành tương ứng”.

Về phương thức xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi trung học phổ thông quốc gia của thí sinh dự thi tại các cụm thi do trường đại học chủ trì thì trường công bố tổ hợp các môn xét tuyển vào các ngành tương ứng; Không được xét tuyển những thí sinh có kết quả thấp hơn ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy.

Trong khi trước đó, Thông tư 55 ban hành tháng 12/2012 cho phép người có bằng tốt nghiệp trung cấp nghề, trung cấp chuyên nghiệp, CĐ nghề, CĐ 36 tháng trở lên kể từ ngày được cấp bằng tốt nghiệp đến ngày nộp hồ sơ thi lên trình độ CĐ, ĐH được thi liên thông theo kỳ thi của từng trường tự tổ chức.

Ngoài ra, dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 55 cũng đưa ra quy định khống chế chỉ tiêu tuyển sinh liên thông chặt chẽ hơn so với quy định trước đó với chỉ tiêu được xác định theo từng ngành đào tạo.

Đặc biệt đối với các ngành về khoa học sức khỏe, dự thảo thông tư yêu cầu chỉ tiêu liên thông phải thấp hơn mức chỉ tiêu chung các ngành khác với tỉ lệ áp dụng không vượt quá 15% chỉ tiêu ĐH chính quy của ngành này trong từng trường.

Quy định trong dự thảo không “rộng cửa” bởi vì chỉ tiêu đào tạo liên thông của các ngành bị khống chế. Trước đây, việc xác định chỉ tiêu liên thông được xác định theo tổng chỉ tiêu chung của nhà trường với quy định chỉ tiêu liên thông chính quy không quá 20% chỉ tiêu đào tạo chính quy của trường.

Nhưng sắp tới, việc xác định chỉ tiêu liên thông sẽ được xác lập dựa trên từng ngành. Trong tổng chỉ tiêu của mỗi ngành thì chỉ tiêu liên thông chính quy sẽ không quá 20%. Việc quy định khống chế này sẽ góp phần quan trọng đảm bảo chất lượng đầu vào.

Mặt khác, Bộ GD-ĐT cũng yêu cầu các cơ sở đào tạo muốn đào tạo liên thông phải có một khóa tốt nghiệp chính quy, các trường muốn đào tạo liên thông chính quy phải tổ chức đào tạo theo tín chỉ, không tổ chức lớp đào tạo liên thông riêng mà các sinh viên liên thông được học chung với các sinh viên chính quy khác…

Nhiều người tỏ ra lo ngại vì số lượng học sinh theo học các ngành Y – Dược chiếm số lượng rất đông, nên việc nới lỏng, mở rộng cơ chế liên thông rất có thể ảnh hưởng đến chất lượng, dẫn tới tình trạng đào tạo ồ ạt.

Tuy nhiên, trong bản dự thảo, từ năm 2015 sẽ không áp dụng đào tạo liên thông hình thức vừa làm vừa học đối với các ngành y đa khoa, răng hàm mặt, y học cổ truyền, y học dự phòng, dược sĩ trình độ CĐ, ĐH…

Bộ GD-ĐT sẽ khống chế số lượng chỉ tiêu tránh tình trạng ồ ạt, kém chất lượng trong đào tạo.

Nguồn: Tin tuc 24h – tintuc.vn