Thành triệu phú nhờ mở lớp dạy tiếng Anh một thầy một trò

Nhận thấy Philippines là môi trường dạy tiếng Anh tốt, một doanh nhân Nhật đã mạo hiểm đầu tư và xây dựng trường đàm thoại tiếng Anh tại đây với những khóa học trên lớp và trực tuyến, tiếp cận được học viên từ nhiều nước khác nhau. 

Raiko Fujioka
Raiko Fujioka, chủ trường đàm thoại tiếng Anh QQ English tại Philippines. Ảnh: Asahi Shimbun

Người đứng đầu một trường dạy tiếng Anh đàm thoại cho người nước ngoài tại Philippines mang nhiều hy vọng về việc kinh doanh, khi sắp mở rộng quy mô trung tâm bằng việc xây dựng chi nhánh mới.

“Ước mơ của tôi là biến QQ English thành trường đàm thoại tiếng Anh lớn nhất, tốt nhất trên thế giới, và tuyển dụng 100.000 người Philippines”, Raiko Fujioka, 49 tuổi, cho biết.

Nhà trường đang sửa chữa một khu nghỉ dưỡng ven biển trên đảo Mactan, tỉnh Cebu để làm chi nhánh mới. Khi tòa nhà 8 tầng này được hoàn thành, nó sẽ trở thành cơ sở thứ hai của trường. Trụ sở chính nằm trong một tòa nhà văn phòng tại trung tâm thành phố Cebu, cách đó khoảng một giờ đi ôtô. Hai cơ sở sẽ chứa tất cả 550 học viên, đưa QQ English trở thành một trong những trường lớn nhất trong số khoảng 150 trường tương tự trong tỉnh.

Các khóa học

Với tiếng Anh là một trong những ngôn ngữ chính thức và dân số trẻ, Philippines nhận được nhiều sự chú ý vì càng ngày càng có nhiều doanh nghiệp đòi hỏi tiếng Anh. Ngày càng có nhiều trường dạy tiếng Anh đàm thoại cho người nước ngoài mọc lên ở đây.

Hàn Quốc là nước đầu tiên thành lập trường tiếng Anh ở Philippines. Ngay sau đó, các công ty Nhật Bản bắt đầu mở trường học đàm thoại tiếng Anh trực tuyến, kết nối thầy cô từ Philippines với học viên từ nước khác sử dụng phần mềm liên lạc miễn phí như Skype.

QQ English kết hợp chương trình trực tuyến với các lớp học trên trường. Điều này giúp các học viên trực tuyến có thể đến Philippines và theo học các lớp chuyên sâu khi họ có thời gian nghỉ một tuần hoặc lâu hơn.

Phần lớn lớp học dạy theo mô hình 1:1, giúp học viên học thuận tiện hơn so với Mỹ hoặc các nước khác, và học phí cũng thấp hơn. Khoảng 600 giáo viên người Philippines làm việc hai ca tại trường. Ban ngày, họ giảng bài trên lớp, còn sáng sớm và đêm khuya, họ giảng bài qua mạng.

Tổng cộng có khoảng 10.000 người nước ngoài đã đăng ký chương trình trực tuyến này. Trong số đó, 80% là người Nhật Bản, 20% còn lại gồm Trung Quốc, Hàn Quốc, Nga và Iran. Fujioka đã lên kế hoạch bắt đầu dịch vụ tương tự tại Brazil và Italy trong tương lai gần.

Ông cũng đang mở rộng phương pháp giảng dạy của nhà trường, phối hợp với các cá nhân và tổ chức Nhật Bản. Tại khuôn viên mới ở đảo Mactan, ông muốn chú trọng vào giáo dục cho trẻ em bằng cách làm việc với Hideo Kageyama, một giáo sư về giáo dục tại Đại học Ritsumeikan ở Kyoto. Kageyama nổi tiếng với phương pháp cải thiện khả năng tính toán “Hyakumasu Keisan” (100 hộp tính).

“Tôi bị thu hút bởi những ý tưởng của Fujioka, người không có phương pháp giảng dạy cố định”, ông nói. Kageyama đang phát triển một phương pháp học tiếng Anh mới, không chỉ là cách dạy nhắc đi nhắc lại giống như Hyakumasu Keisan, mà còn có “học thuộc lòng” và “đọc thành tiếng”.

Fujioka cũng điều ba giảng viên Philippines đến Đại học Meiji ở Tokyo để giúp học sinh nâng cao điểm TOEIC. QQ English hiện đang làm việc với 10 trường đại học, một số trường công nhận các lớp của giáo viên từ trung tâm này là lớp học lấy điểm thi chính thức. Trung tâm cũng điều giáo viên đến các buổi đào tạo cho nhân viên công ty và các trại hè tiếng Anh do chính quyền địa phương tổ chức cho trẻ em và phụ huynh.

Con đường đến với “nghiệp” tiếng Anh

Fujioka từng điều hành một công ty chuyển hàng bằng xe máy. Nhiều chục năm trước, ông còn nhập khẩu xe máy từ châu Âu. Tuy nhiên, vì gặp khó khăn khi làm việc với chủ tịch của công ty xe máy, ông quyết định đến Cebu, Philippines để học tiếng Anh.

Khi học tiếng Anh ở đây, ông nhận thấy rằng tuy tiếng mẹ đẻ không phải là tiếng Anh, người Philippines có sở trường học ngôn ngữ. Sau đó ông nhận ra rằng người Nhật học tiếng Anh giao tiếp từ người Philippines có thể đạt được kết quả tốt hơn là học tại các trường dạy đàm thoại ở Mỹ hoặc các nước nói tiếng Anh khác. Trực giác nói với ông rằng đây sẽ là một thương vụ béo bở.

Trái với mong muốn của những người xung quanh, ông bán tất cả bất động sản của mình, gồm cả chung cư ở Tokyo để huy động 400 triệu yen (khoảng 3,3 triệu USD), nhận cả đầu tư từ bạn bè.

Năm 2009, ông mở chương trình đàm thoại tiếng Anh trực tuyến tại Philippines. Doanh thu hàng năm của QQ English đạt khoảng khoảng 5,7 triệu USD trong năm 2013 và ước tính hơn 8,2 triệu USD năm 2014. Fujioka cho biết mục tiêu của ông là 820 triệu USD.

“Người Nhật có thể thay đổi chính mình bằng cách học tiếng Anh”, Fujioka nói. “Và người Philippines cũng có thể thay đổi chính mình bằng việc dạy tiếng Anh”.