Trường xây cả trăm tỷ bị hư hại chỉ sau một kỳ

Được đầu tư xây dựng với kinh phí hơn 120 tỷ đồng, sau một học kỳ sử dụng, hàng loạt hạng mục tại trường học có quy mô lớn nhất Quảng Nam đã hư hỏng.

Những ngày qua, công nhân của chủ đầu tư vẫn đang dựng giàn giáo để bóc gỡ những lớp sơn đen do ẩm ốc tại trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (TP Tam Kỳ, Quảng Nam), sơn lại lớp mới. Đây là lần thứ tư kể từ khi đưa vào sử dụng, trường học này được sửa chữa. Những lần sửa trước, chỉ sau vài ngày tình trạng thấm dột tái diễn.

Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm
Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm, nơi công nhân đang khắc phục tình trạng sơn bị bong tróc, mái dột. Ảnh: Tiến Hùng

Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm, ông Lê Nguyên Bảng, cho hay từ khi nhận công tác nửa năm trước, ông đã chứng kiến tình trạng các phòng học, khu hiệu bộ bị dột nước khiến học sinh phải chuyển phòng, và một số hạng mục khác bị hư hỏng. Nhà trường đã nhiều lần báo cáo với Sở Giáo dục Quảng Nam.

“Đơn vị thi công đang xuống khắc phục nhưng tình trạng trên có tái diễn hay không phải đến khi trời mưa mới biết”, ông Bảng nói.

Còn ông Nguyễn Đình Tiến, người tiền nhiệm của ông Bảng, nay chuyển qua làm hiệu trưởng Trường THPT Trần Cao Vân (TP Tam Kỳ), cho hay trường Nguyễn Bỉnh Khiêm được đầu tư xây dựng với tổng kinh phí 232 tỷ đồng, gồm các hạng mục chính như khu hiệu bộ, phòng học, thư viện và ký túc xá, là trường học có quy mô lớn nhất Quảng Nam.

Trường THPT Trần Cao Vân
Chỉ vài tháng đưa vào sử dụng, nền móng của trường THPT Trần Cao Vân có nhiều vết nứt rộng khoảng 5 cm: Ảnh: Tiến Hùng.

Đến tháng 9/2011, hai hạng mục được bàn giao là khối phòng học và khu hiệu bộ với kinh phí xây dựng hơn 120 tỷ đồng. Các hạng mục còn lại vẫn trong quá trình xây dựng.

Dãy phòng học 3 tầng gồm 27 phòng để phục vụ việc giảng dạy cho 24 lớp học và khu hiệu bộ sử dụng được một học kỳ thì xuất hiện tình trạng trần nhà bị thấm dột, nước mưa tràn xuống phòng, meo mốc…

“Các cánh cửa gỗ tại đây cũng cong queo, không đóng được. Toàn bộ sơn tường bị đổi thành màu đen chỉ sau một thời gian ngắn, đơn vị thi công đã phải bóc hết để sơn lại ngay sau đó”, vị nguyên hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm nói.

Theo ông Tiến không chỉ trường Nguyễn Bỉnh Khiêm bị hư hỏng mà ngôi trường ông đang làm hiệu trưởng cũng xảy ra tình trạng tương tự, chỉ sau một thời gian ngắn.

Trường THPT Trần Cao Vân được khánh thành năm 2010, với tổng mức đầu tư khoảng 20 tỷ đồng. Các phòng học và khu hiệu bộ bị nứt toác thành những đường dài chạy dọc trên trần, nền nhà sụt lún, nứt nẻ…

Có phòng bị nứt sâu nên khi trời mưa đến, nước chảy tràn xuống cả phòng học và phòng làm việc của giáo viên. Nhiều mảng tường lớn trên trần bị nứt nẻ, có dấu hiệu sắp sập. Dưới nền nhà, những lớp gạch bị bong tróc, sụt lún thành những con lươn chênh nhau khoảng 5 cm.

Đại diện chủ đầu tư, ông Lê Phan Minh Tuấn, Phó ban quản lý dự án thuộc Sở Giáo dục tỉnh Quảng Nam, xác nhận sự việc và cho biết cả hai ngôi trường này đều do Công ty Cổ phần Đầu tư và phát triển xây dựng – Hội An thi công.

Ông Tuấn khẳng định chất lượng công trình của hai trường này tốt. Tuy nhiên, trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm do thiết kế mái bằng, không có tôn trong khi khí hậu Việt Nam khắc nghiệt nên không lường trước được việc sẽ bị thấm, đơn vị đang trình uỷ ban tỉnh xin làm mái tôn để khắc phục.

“Các cánh cửa không đóng được là do làm bằng gỗ non, đây là tình trạng chung, ở đâu cũng vậy. Ngoài ra, tình trạng hư hỏng một phần cũng do người sử dụng và chúng tôi đang khắc phục từ từ”, ông Tuấn lý giải.

Với hư hỏng ở trường Trần Cao Vân, ông Tuấn cho rằng do lúc thi công đổ cát không kỹ nên bị sụt lún, sắp tới chỗ nào lún quá thì sẽ được gỡ gạch ra lắp lại. Còn việc các vết nứt trên trần khiến nước mưa chảy tràn vào là do khe lún và cũng sẽ được sửa chữa lại trong thời gian tới.

Ông Tuấn cho rằng các hư hỏng này là không lớn, đã 5 năm nay học sinh học như vậy rồi nên không ảnh hưởng việc học và dạy mà chỉ ảnh hưởng đến thẩm mỹ.

“Nếu công trình mà hư hỏng thì đã sập ngày từ đầu rồi. Còn việc thấm nước sửa chữa nhiều lần nhưng không khắc phục được là do khí hậu, mưa nắng thất thường quá”, ông Tuấn nói.

Nằm trong Ban giám sát cộng đồng thời gian ngôi trường được xây dựng, ông Đào Kim Tân, hiệu phó trường THPT Trần Cao Vân, cho biết rất nhiều hạng mục cũng như thiết bị khi đưa vào sử dụng đều không được như mong muốn. Các loại gỗ đều là gỗ tạp, quạt điện, gạch lát nền liên tục hư hỏng…

“Đó là những hư hỏng thời điểm hiện tại nhìn thấy được chứ không biết chất lượng bên trong như thế nào. Là một thành viên ban giám sát xây dựng, thấy trường được xây quá nhanh, cả dãy phòng học 3 tầng và 10 phòng chức năng mà chỉ xây trong vòng 2 tháng đã xong, đưa vào sử dụng nên cũng thấy bất an. Còn bây giờ phải chấp nhận vậy, dù ảnh hưởng rất lớn đến việc dạy và học”, ông Tân lo ngại.